Nông dân huyện Long Phú không chỉ tích cực đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mà còn rất chú trọng sản xuất các loại lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao, hạn chế việc trồng các loại giống lúa cho gạo phẩm chất thấp và trung bình. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm bán được sản phẩm với giá cao, bởi đời sống kinh tế được nâng cao, người tiêu dùng sẵn sàng chọn mua các loại gạo đặc sản, thơm ngon và an toàn. Chú Liêng Sinh, nông dân ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết: “Tôi có hơn 20 công ruộng, mỗi năm sản xuất 02 vụ lúa. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, đặc biệt là đưa các loại máy móc cơ giới vào cả các khâu làm đất, bơm tưới nước, gieo sạ và bón phân bằng máy phun … không còn vất vả như xưa, hiệu quả sản xuất lại được nâng cao. Vụ Đông xuân vừa qua, tôi sạ giống lúa Đài Thơm 8, bán lúa tươi với giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 400 – 500 đồng/kg so với nhiều loại lúa thông thường khác. Còn trong vụ Hè thu này, tôi chọn giống lúa chất lượng cao OM 5451”. Ông Võ Văn Phúc, ngụ tại ấp Phú Trường, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, có trên 04 ha đất sản xuất lúa. Thời gian qua, ông cùng với 54 hộ dân tại địa phương đã liên kết thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công và hình thành mô hình cánh đồng lớn tại địa phương, với tổng diện tích canh tác hơn 74ha. Ông Võ Văn Phúc cho biết: “Tham gia mô hình cánh đồng lớn, nông dân không chỉ nhận thấy rõ hiệu quả của việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất các loại lúa thơm và chất lượng cao. Từ 04 năm nay, nông dân tại hợp tác xã đã tập trung sản xuất các loại lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao theo đơn đặt hàng bao tiêu của doanh nghiệp đầu ra rất ổn định”.
Nông dân sử dụng máy bay để bón phân và phun thuốc BVTV.
Tính theo năm lương thực, toàn huyện xuống giống được gần 34.500ha, trong đó diện tích sản xuất lúa đặc sản trên 20.331ha, chiếm hơn 59% diện tích xuống giống. Trong năm 2021, tổng sản lượng lúa ước đạt 207.286 tấn, trong đó, sản lượng lúa đặc sản ước đạt 122.599 tấn. Diện tích đất lúa của huyện Long Phú, khá ít so với nhiều huyện, thị trong tỉnh, nhưng nhờ thâm canh tăng vụ, nên hàng năm tổng sản lượng lúa đều tăng. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: “Ngành rất quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trên cùng một diện tích đất canh tác. Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp huyện không chỉ tăng cường hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mà còn tích cực định hướng nông dân phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, an toàn. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp, hình thành các cánh đồng mẫu và vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp”.
Với diện tích thực hiện mô hình cánh đồng mẫu ban đầu chỉ hơn 300ha của 484 hộ dân tại các ấp Trường Thành A, Trường Thành B, Trường An, Trường lộc và Trường Bình, thuộc xã Trường Khánh (năm 2012). Đến nay, toàn huyện đã có 05 xã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, với tổng diện tích gần 1.400ha/vụ, có 1.246 hộ nông dân tham gia, trong đó có 02 cánh đồng mẫu lớn của xã Trường Khánh, với diện tích 630ha, có 576 hộ nông dân tham gia và cánh đồng mẫu lớn của xã Long Đức, với diện tích 609ha, có 538 hộ nông dân tham gia. Mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ cơ giới và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Nhờ lúa trong mô hình cánh đồng mẫu đạt chất lượng cao, nên được nhiều doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 50 – 150 đồng/kg, đối với lúa hàng hóa và 500 – 700 đồng/kg đối với lúa giống. Các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” … đã được nông dân tại huyện Long Phú áp dụng phổ biến. Sản xuất theo tiêu chuẩn ngày càng được nông dân quan tâm và hiện Long Phú có gần 80ha lúa được chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo bền vững, đạt các tiêu chí của dự án VnSAT theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp với quy mô 80ha sản xuất giống lúa OM 18, tại 02 điểm của 02 hợp tác xã, Tân Hưng Phú và hợp tác xã Hưng Lợi, có 55 hộ nông dân tham gia.
Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, đến nay nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa tại huyện Long Phú như làm đất, bơm tưới nước và thu hoạch … hầu như đã được cơ giới hóa 100%. Các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật … cũng từng được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao và theo hướng đồng bộ. Nông dân cũng chú ý lựa chọn, áp dụng nhiều loại máy móc, thiết bị phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương. Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện cũng đã quan tâm hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm rạ, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm này phục vụ chăn nuôi, trồng nấm rơm và phát triển các hoạt động sản xuất khác để nâng cao thu nhập. Qua đó, tránh việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng, vừa lãng phí, vừa gây tác động xấu cho môi trường.
Bài và ảnh: Sóc Ca.